Thứ Ba, 21 tháng 8, 2007

LỊCH SỬ VÀ TỔ CHỨC CỦA CÁC HỆ THỐNG TƯ PHÁP BANG


Trước khi có Hiến chương liên minh và trước khi soạn thảo Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787, các khu vực thuộc địa, với tư cách là các thực thể có chủ quyền, đã có hiến pháp riêng bằng văn bản. Do đó, hệ thống tòa án bang đã bắt đầu phát triển từ thời kỳ thuộc địa đến nay.

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC TÒA ÁN BANG

Về vấn đề tổ chức tòa án, không có bang nào giống hệt nhau. Mỗi bang được tự do áp dụng cơ chế tổ chức riêng, tùy ý thành lập bao nhiêu tòa án, đặt tên như thế nào và thiết lập phạm vi tài phán như thế nào thích hợp nhất. Do đó, tổ chức tòa án bang không giống một hệ thống ba cấp rõ ràng như ở cấp liên bang. Ví dụ, trong hệ thống liên bang, tòa sơ thẩm được gọi là tòa án hạt và tòa phúc thẩm được gọi là tòa lưu động (tòa phúc thẩm vùng). Trong khi đó, tại hơn một chục bang, tòa lưu động là tòa sơ thẩm. Một số bang khác sử dụng khái niệm tòa cấp trên (superior court) để chỉ các tòa sơ thẩm lớn. Có lẽ hiện tượng ngạc nhiên nhất là ở Bang New York, nơi mà các tòa sơ thẩm lớn được gọi là Tòa án tối cao.

Mặc dù có nhiều điểm khác nhau về tổ chức các tòa án bang, nhưng tựu chung đây là một hệ thống rất quan trọng. Do khối lượng luật bang lớn hơn rất nhiều so với các đạo luật liên bang, bao trùm hầu hết mọi thứ từ quan hệ cá nhân cơ bản đến các chính sách công quan trọng nhất của bang, nên phạm vi công việc của tòa án bang là rất lớn, và số lượng vụ án được giải quyết hàng năm ở tòa án bang lớn hơn nhiều so với số vụ của tòa liên bang.

Thời kỳ thuộc địa

Trong thời kỳ thuộc địa, quyền lực chính trị tập trung trong tay thống đốc do Hoàng đế nước Anh chỉ định. Do các thống đốc thực hiện toàn bộ các chức năng hành pháp, lập pháp và tư pháp, nên không cần đến một hệ thống tòa án quá chi tiết.

Cấp tư pháp thuộc địa nhỏ nhất là các thẩm phán địa phương được gọi là thẩm phán hòa giải hoặc thẩm phán tiểu hình. Các thẩm phán này được thống đốc khu vực thuộc địa bổ nhiệm. Cấp tiếp theo của hệ thống là các tòa án tỉnh; đây là các tòa sơ thẩm chung của các khu vực thuộc địa. Các kháng cáo kháng nghị từ tất cả các tòa án được đưa lên cấp cao nhất, đó là thống đốc và hội đồng thống đốc. Đại bồi thẩm và tiểu bồi thẩm cũng xuất hiện trong thời kỳ này, và hiện nay vẫn là một đặc điểm nổi bật của hệ thống tư pháp bang.

Đến đầu thế kỷ XVIII, nghề luật bắt đầu thay đổi. Luật sư được đào tạo trong các Hội quán luật của Anh, và số lượng đã trở nên đông đảo, do đó, các thủ tục tòa án thuộc địa đã dần được thay đổi bằng hệ thống thông luật tinh vi của Anh.

Các tòa án bang thời kỳ đầu

Sau Cách mạng Mỹ (1775–1783), quyền lực chính quyền không chỉ bị tiếp quản bởi các thể chế lập pháp, mà đồng thời còn bị giảm sút nghiêm trọng. Các nhà thực dân cũ không muốn hệ thống tư pháp phát triển độc lập và lớn mạnh; họ coi thường luật sư và thông luật. Cơ quan lập pháp bang giám sát hoạt động tòa án một cách cẩn trọng và trong một số trường hợp đã loại bỏ các thẩm phán và xóa bỏ một số tòa án vì các quyết định hơi bất thường.

Sự thiếu tin tưởng vào hệ thống tư pháp ngày càng gia tăng khi các tòa án tuyên bố các hành động lập pháp là vi hiến. Xung đột giữa lập pháp và thẩm phán ngày càng phổ biến và thường nảy sinh từ mâu thuẫn lợi ích. Có vẻ như các nhà lập pháp thích các chính sách có lợi cho con nợ hơn, trong khi các tòa án thường thể hiện quan điểm của chủ nợ. Sự khác biệt này là một yếu tố quan trọng, vì “do xung đột quyền lực lập pháp và tư pháp... nên các tòa án dần dần trở thành một tổ chức chính trị độc lập”, như David W. Neubanuer đã viết trong cuốn Tòa án Mỹ và Hệ thống pháp luật hình sự (America’s Courts and the Criminal Justice System).

Các tòa án bang thời hiện đại

Kể từ cuộc Nội chiến (1861–1865) đến đầu thế kỷ XX, các tòa án bang gặp phải vấn đề khác. Quá trình công nghiệp hóa và phát triển nhanh chóng các khu vực đô thị đẻ ra nhiều loại tranh chấp pháp lý mới, và nảy sinh các vụ xét xử dài hơn và phức tạp hơn. Do các hệ thống tòa án bang phần lớn được thiết kế để giải quyết các vấn đề ở khu vực nông thôn, ruộng đất, nên chúng bị khủng hoảng vì án tồn đọng quá nhiều trong quá trình đấu tranh điều chỉnh.

Có một giải pháp là lập các tòa án mới để giải quyết số lượng án tăng lên. Thông thường, các tòa án được xếp chồng lên nhau. Một giải pháp khác là bổ sung thẩm quyền xét xử cho các tòa án mới vượt quá khu vực địa lý cụ thể. Ngoài ra còn có các giải pháp khác là lập tòa chuyên trách để giải quyết các vụ thuộc một lĩnh vực nhất định. Ví dụ, ngày càng có nhiều các tòa khiếu nại nhỏ, tòa vị thành niên và tòa quan hệ gia đình.

Việc mở rộng các tòa án bang và địa phương một cách không có kế hoạch để đáp ứng những nhu cầu cụ thể đã dẫn đến tình trạng được nhiều người gọi là xé lẻ. Tuy nhiên, việc có nhiều loại tòa sơ thẩm mới chỉ là một khía cạnh của sự xé lẻ. Nhiều tòa án có thẩm quyền xét xử rất hạn hẹp. Ngoài ra, thẩm quyền xét xử của nhiều tòa án thường bị trùng lắp.

Đầu thế kỷ XX, mọi người bắt đầu lo ngại về sự nhỏ lẻ của hệ thống tòa án bang. Các chương trình cải cách để giải quyết vấn đề này được gọi chung là phong trào thống nhất tòa án. Học giả luật nổi tiếng đầu tiên lên tiếng ủng hộ thống nhất tòa án là Roscoe Pound, hiệu trưởng Trường luật Harvard. Pound và những người khác đã kêu gọi thống nhất các tòa sơ thẩm thành một hoặc hai nhóm tòa án, một nhóm xét xử các vụ lớn và một nhóm xét xử các vụ nhỏ lẻ.

Quá trình thống nhất tòa án gặp phải rất nhiều phản đối. Nhiều luật sư sơ thẩm đã gần như hàng ngày xuất hiện ở tòa và đã quá quen với tổ chức tòa án hiện tại, nên họ phản đối sự thay đổi. Các thẩm phán và nhân viên tòa án đôi lúc cũng phản đối cải cách. Phản đối của họ thường xuất phát từ việc sợ bị chuyển đến tòa án mới, phải học thủ tục mới, hoặc phải giải quyết các vụ việc nằm ngoài chuyên môn của mình. Do đó, phong trào thống nhất tòa án không được thành công như nhiều người mong đợi. Nhưng những người đề xướng cải cách tòa án cũng đã giành thắng lợi ở một số bang.

TỔ CHỨC TÒA ÁN BANG

Một số bang đã đi theo hướng tổ chức một hệ thống tòa án thống nhất, nhưng các bang khác vẫn có nhiều tòa án rất phức tạp và rắc rối, với thẩm quyền xét xử trùng lắp. Các tòa án bang có thể được chia thành bốn cấp tổng hợp: tòa sơ thẩm với thẩm quyền hạn chế, tòa sơ thẩm với thẩm quyền chung, tòa phúc thẩm trung gian và tòa chung thẩm.

Tòa sơ thẩm với thẩm quyền hạn chế

Hàng năm, các tòa sơ thẩm với thẩm quyền hạn chế giải quyết phần lớn các vụ kiện tụng ở Hoa Kỳ, và chiếm đến 90% số lượng tòa án. Chúng được đặt nhiều tên khác nhau: tòa hòa giải (justice of peace court), tòa tiểu hình (magistrate courts), tòa án cộng đồng (municipal courts), tòa thành phố (city courts), tòa án tỉnh (county courts), tòa án vị thành niên (juvenile courts), tòa án quan hệ gia đình (domestic relations courts), và tòa thủ phủ (metropolitan courts).

Thẩm quyền xét xử của các tòa án này bị giới hạn trong các vụ án nhỏ. Ví dụ, đối với các vấn đề hình sự, tòa án bang giải quyết ba cấp vi phạm: vi cảnh (infractions), tội ít nghiêm trọng (misdemeanors) và tội nghiêm trọng (felonies). Tòa sơ thẩm với thẩm quyền hạn chế chỉ giải quyết các vụ vi cảnh và tội ít nghiêm trọng. Nó chỉ được áp đặt hình phạt hạn chế (thường không quá 1.000 USD), và hình phạt tù với thời hạn thường không quá một năm. Trong các vụ dân sự, các tòa án này thường chỉ giới hạn trong các vụ tranh chấp lên đến một số tiền nhất định, khoảng 500 USD. Ngoài ra, các tòa án này thường bị giới hạn trong một số loại vấn đề như vi phạm luật giao thông, quan hệ gia đình, hay như các vụ liên quan đến vị thà nh niên.

Một điểm khác biệt nữa giữa tòa sơ thẩm có thẩm quyền hạn chế với tòa thẩm quyền chung là, trong nhiều trường hợp, các tòa thẩm quyền hạn chế không phải lập bản ghi. Do quá trình tố tụng không được ghi chép, nên các kháng cáo kháng nghị đối với phán quyết của tòa thẩm quyền hạn chế được đưa lên tòa sơ thẩm có thẩm quyền chung, và được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm “de novo” (sơ thẩm lại). Còn một điểm khác biệt nữa là các thẩm phán chủ tọa tòa sơ thẩm hạn chế không cần phải được đào tạo luật bài bản.

Nhiều tòa án thuộc lọa i này thường bị thiếu hụt nguồn lực. Chúng thường không có phòng xét xử cố định, mà thường họp ở các tiệm tạp hóa, nhà hàng hoặc nhà riêng. Tòa thường không có thư ký để lưu giữ đầy đủ các ghi chép. Do đó, đa phần việc giải quyết và tố tụng vụ việc thường mang tính không chính thức. Hiếm khi các vụ việc được giải quyết rốt ráo, và thường kết thúc rất nhanh.

Cuối cùng, các tòa sơ thẩm với thẩm quyền hạn chế được một số bang sử dụng để giải quyết các vấn đề sơ khởi trong các vụ hình sự nghiêm trọng. Chúng thường làm thủ tục khởi tố, bảo lãnh và chỉ định luật sư cho những bị cáo không đủ tiền, và tiến hành điều tra ban đầu. Tiếp đó, vụ việc được chuyển lên tòa sơ thẩm với thẩm quyền chung để làm tiếp phần bào chữa, xét xử và áp dụng hình phạt.

Tòa sơ thẩm với thẩm quyền chung

Hầu hết các bang đều có một nhóm tòa sơ thẩm lớn để giải quyết các vụ hình sự và dân sự nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, ở nhiều bang có các nhóm vấn đề đặc biệt, như tội phạm hình sự vị thành niên, quan hệ gia đình và di chúc, thuộc thẩm quyền xét xử của tòa sơ thẩm chung.

Tại hầu hết các bang, các tòa án này còn có chức năng phúc thẩm. Chúng xét xử phúc thẩm một số loại vụ việc nhất định phát sinh từ tòa sơ thẩm hạn chế. Các phiên xét xử này thường được tiến hành theo thủ tục sơ thẩm lại (de novo) hoặc sơ thẩm lần hai ở tòa sơ thẩm chung.

Tòa sơ thẩm chung thường được chia theo các hạt hoặc vùng. Mặc dù thực tế mỗi bang khác nhau, nhưng quy tắc chung thường sử dụng các ranh giới chính trị hiện có để phân chia hạt tư pháp hoặc vù ng tư pháp, như một tỉnh hoặc một nhóm tỉnh. Tại các khu vực nông thôn, thẩm phán thường đi một vòng và lập tòa án ở các khu vực khác nhau trong phạm vi lãnh thổ theo lịch trình định sẵn. Nhưng ở khu vực thành thị, các thẩm phán thường tổ chức xét xử ở một vị trí cố định quanh năm. Tại các tỉnh lớn, nhóm thẩm phán có thể được chia thành các chuyên ngành. Một số chỉ xét xử các vụ dân sự, còn các thẩm phán khác chuyên xét xử các vụ hình sự.

Tòa ở cấp này có nhiều tên khác nhau. Tên thông dụng nhất là tòa án hạt (district), vùng – lưu động (circuit), và tòa cấp trên (superior). Yêu cầu đối với thẩm phán ở cấp này được quy định trong luật và tất cả các bang đều yêu cầu phải có bằng luật. Các tòa án này cũng có thư ký trợ giúp vì chúng là các tòa án có lưu bản ghi.

Tòa phúc thẩm trung gian

Các tòa phúc thẩm trung gian là nhóm tòa tương đối mới trong hệ thống tư pháp bang. Năm 1911 mới chỉ có 13 tòa, và đến năm 1995 mới có 39 bang thành lập tòa án loại này. Mục đích cơ bản của nó là giúp giảm bớt khối lượng công việc của Tòa án tối cao bang.

Hầu hết tòa loại này được gọi là tòa phúc thẩm, nhưng thỉnh thoảng cũng dùng nhiều tên khác. Hầu hết các bang đều chỉ có một tòa phúc thẩm chịu trách nhiệm trên phạm vi toàn bang. Ví dụ, tòa phúc thẩm ở Alaska chỉ có ba thẩm phán. Nhưng ngược lại cũng có bang có đến 80 thẩm phán tòa phúc thẩm như ở Texas. Tại một số bang, tòa phúc thẩm trung gian xét xử theo thủ tục toàn thẩm (en banc), trong khi các bang khác được phân chia theo các nhóm thường xuyên hoặc luân chuyển.

Tòa chung thẩm

Tất cả các bang đều có tòa chung thẩm. Các bang Oklahoma và Texas có đến hai tòa chung thẩm. Tại hai bang này, một tòa chung thẩm chịu trách nhiệm về các kháng cáo kháng nghị dân sự và một tòa giải quyết hình sự. Hầu hết các bang đều gọi tòa chung thẩm là Tòa án tối cao; một số tên khác cũng được dùng như tòa phúc thẩm (Maryland và New York), tòa tư pháp tối cao (Maine và Massachusetts) và tòa phúc thẩm tối cao (Tây Virginia). Các tòa chung thẩm có từ ba đến chín thẩm phán (hay ở một số bang gọi là đại thẩm phán). Họ thường xét xử theo thủ tục toàn thẩm, và thường nhóm họp ở thủ phủ bang (nhưng không nhất thiết trong mọi trường hợp).

Phạm vi xét xử của tòa chung thẩm bao gồm các vấn đề thuộc thẩm quyền của luật bang, và tất nhiên, chúng là cơ quan xét xử cuối cùng đối với các vấn đề đó. Tại các bang có hệ thống tòa phúc thẩm trung gian, các vụ việc được xét xử ở Tòa án tối cao chủ yếu được lấy từ các tòa trung gian này. Trong trường hợp này, các Tòa án tối cao thường có quyền quyết định vụ nào được xét xử. Do đó, nó có thể dành nhiều thời gian hơn để giải quyết các vấn đề chính sách quan trọng của bang. Nếu không có cấp phúc thẩm trung gian, các vụ án thường buộc phải đưa lên Tòa án tối cao theo thủ tục xem xét lại.

Như vậy, ở hầu hết các bang, tòa chung thẩm giống với Tòa án tối cao Hoa Kỳ ở chỗ nó có nhiều quyền quyết định vụ việc nào sẽ được nó chú ý. Hầu hết các Tòa án tối cao bang cũng theo thủ tục tương tự như thủ tục ở Tòa án tối cao Hoa Kỳ. Tức là, khi vụ việc được chấp nhận xem xét lại, các bên sẽ trình nộp các văn bản tóm lược, và thực hiện tranh tụng. Sau khi đi đến quyết định, các thẩm phán đưa ra các ý kiến bằng văn bản giải thích cho quyết định đó.

Tòa vị thành niên

Người Mỹ ngày càng quan tâm nhiều đến việc giải quyết các vụ án liên quan đến vị thành niên, và các bang xử lý vấn đề này theo nhiều cách khác nhau. Một số bang thiết lập một mạng lưới tòa án trên toàn bang chuyên giải quyết các vấn đề liên quan đến vị thành niên. Có hai bang là Đảo Rhode và Nam Carolina đã thành lập các tòa án gia đình, chuyên giải quyết các vấn đề quan hệ gia đình cũng như vị thành niên.

Phương pháp phổ biến nhất là trao quyền cho một hoặc nhiều tòa án thẩm quyền hạn chế hoặc thẩm quyền chung của bang giải quyết các vấn đề liên quan vị thành niên. Chẳng hạn, ở Alabama, tòa lưu động (tòa sơ thẩm với thẩm quyền chung) có thẩm quyền xét xử các vấn đề vị thành niên. Tuy nhiên, ở Kentucky, thẩm quyền chuyên biệt vị thành niên nằm trong tay các tòa sơ thẩm hạn chế - tức là các tòa án hạt.

Cuối cùng, một số bang phân chia thẩm quyền xét xử vị thành niên cho nhiều tòa án. Bang Colorado có tòa án vị thành niên cho thành phố Denver và giao thẩm quyền xét xử vị thành niên cho các tòa án hạt (tòa sơ thẩm chung) tại các khu vực khác của bang.

Đồ ng thời, giữa các bang cũ ng có sự khác biệt về quy định lúc nào thì thẩm quyền xét xử thuộc phạm vi của tòa thà nh niên. Các bang đưa ra các tiêu chí về tuổi của bị can để được xét xử ở tòa thành niên. Ngoài ra, nhiều bang quy định người phạm tội trẻ tuổi sẽ bị xét xử ở tòa thành niên nếu có các tình huống đặc biệt. Ví dụ, ở Illinois, tuổi tiêu chuẩn phân biệt giữa vị thành niên và thành niên là 17 tuổi. Tuy nhiên, giới hạn tuổi bị xét xử ở tòa thành niên là 15, nếu phạm tội cố ý giết người (giết người cấp một), tội tình dục hình sự có tình tiết tăng nặng, cướp có vũ khí, cướp có súng và sử dụng vũ khí trái phép ở trường học.

HỖ TRỢ HÀNH CHÍNH VÀ NHÂN SỰ TRONG HỆ THỐNG TƯ PHÁP BANG

Hoạt động hàng ngày của các tòa án liên bang đòi hỏi công sức của rất nhiều cá nhân và tổ chức. Ở hệ thống tòa án bang cũng vậy.

Thẩm phán hòa giải và tiểu hình

Ở một số bang, thẩm phán hòa giải và tiểu hình được gọi là ủy viên chứng nhận (commissioner) hoặc trọng tài (referee). Thẩm phán này được sử dụng để thực hiện một số công việc trong giai đọa n đầu của thủ tục tố tụng hình sự và dân sự. Về mặt này, thẩm phán hòa giải và tiểu hình bang cũng giống với liên bang. Ở một số khu vực tài phán, họ còn tổ chức các phiên quyết định bảo lãnh (bond hearings) và tiến hành điều tra ban đầu các vụ hình sự. Ở một số bang, họ cũ ng được quyền đưa ra phán quyết trong các vụ án nhỏ.

Thư ký luật

Ở các tòa án bang, thường thấy các thư ký luật ở hầu hết các tòa sơ thẩm trung gian và tòa chung thẩm. Còn ở các tòa sơ thẩm bang thường không sử dụng thư ký luật; và đặc biệt là rất hiếm gặp họ ở tòa sơ thẩm hạn chế. Cũng như ở cấp quốc gia, một số thư ký luật phục vụ cho cá nhân thẩm phán, nhưng cũng có người phục vụ toàn bộ tòa án với tư cách là luật sư chuyên trách.

Văn phòng hành chính của Tòa án

Hiện tất cả các bang đều có văn phòng hành chính tòa án (có thể dưới tên gọi khác). Chúng thực hiện rất nhiều nhiệm vụ hành chính cho hệ thống tòa án bang. Những nhiệm vụ thông thường của chúng là chuẩn bị ngân sách, xử lý số liệu, quản lý trang thiết bị, giáo dục tư pháp, thông tin với công chúng, nghiên cứu và quản lý nhân sự. Ở một số ít bang, vấn đề quản chế vị thành niên và thành niên thuộc trách nhiệm của văn phòng hà nh chính, và đây là một hình thức giải quyết tranh chấp thay thế cho xét xử tòa án.

Thư ký tòa và quản trị tòa

Theo truyền thống, thư ký tòa thường giải quyết các công việc thường nhật của tòa. Bao gồm bố trí phòng xét xử, ghi chép quá trình tố tụng, soạn thảo lệnh và phán quyết sau kết quả hành động xét xử, thu các khoản phạt và phí tòa án, và chi tiêu phục vụ xét xử. Ở đa số các bang, chức danh này được dân bầu và có thể được gọi bằng các tên khác. Hiện nay, trong nhiều lĩnh vực, thư ký tòa theo lối truyền thống đã được thay thế bằng các viên quản trị tòa. Thư ký tòa thường chỉ quản lý hoạt động của một phòng xét xử cụ thể. Ngược lại, quản trị tòa hiện đại có thể giúp chánh án điều hành toàn bộ văn phòng xét xử.

KHỐI LƯỢNG CÔNG VIỆC CỦA TÒA ÁN BANG

Phần lớn công việc của ngành tư pháp quốc gia nằ m ở cấp bang, chứ không phải cấp liên bang. Trong khi các thẩm phán liên bang xét xử vài trăm ngàn vụ một năm đã là ghê gớm lắm, thì các tòa án bang thường phải giải quyết vài triệ u vụ mỗi năm, cho dù các vụ quan trọng nhất được xét xử ở cấp liên bang. Trong khi các thẩm phán hòa giải và tòa tiểu hình ở cấp bang giải quyết các vụ nhỏ lẻ, thì cũng có một số phán quyết lớn nhất trong lĩnh vực dân sự đã được các bồi thẩm tòa sơ thẩm cấp bang đưa ra.

Trung tâm quốc gia các tòa án bang đã tổng hợp số liệu về khối lượng công việc của các tòa án chung thẩm bang và tòa phúc thẩm trung gian trong năm 1998. Theo đó, tổng cộng có 261.159 vụ phúc thẩm bắt buộc và không bắt buộc đã được giải quyết ở các tòa phúc thẩm bang. Còn số liệu về số vụ án được xem xét ở các tòa sơ thẩm bang thì khó thu thập hơn. Tuy nhiên, Trung tâm đã rất xuất sắc trong việc theo dõi các số liệu của tòa sơ thẩm bang. Năm 1998, có 17.252.940 vụ đã được xem xét ở các tòa thẩm quyền chung và tòa thẩm quyền hạn chế. Cũng giống như các tòa án liên bang, phần lớn các vụ việc là thuộc lĩnh vực dân sự, tuy nhiên các vụ hình sự thường được chú ý nhiều hơn.

=====================================

Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, năm 2004 - Bản dịch của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến