Nhiều chánh án đang “đau đầu” bởi thấy thẩm phán làm sai, không can thiệp không được nhưng nhúng tay vào thì lại vi phạm nguyên tắc thẩm phán xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật…
Vẫn phải quản?
Cách đây không lâu, liên tục trên nhiều số báo, chúng tôi đã đăng bài phản ánh các vấn đề liên quan đến việc báo án, duyệt án, trao đổi án, án “bỏ túi”… Nhiều ý kiến cho rằng phải “khai tử” kiểu án bỏ túi, tăng cường tính độc lập xét xử của thẩm phán để cho ra một bản án đúng pháp luật.
Về chuyện này, Chánh án TAND tối cao đã ra chỉ thị nghiêm cấm việc duyệt án, áp đặt quan điểm cá nhân của người đứng đầu làm cho việc độc lập xét xử của thẩm phán bị xâm phạm. Tuy nhiên, bên cạnh đó chỉ thị cũng buộc người đứng đầu các tòa phải chịu trách nhiệm chính về quản lí đối với các mặt công tác, đặc biệt là chất lượng xét xử.
Ở đây có một vấn đề đang phải đặt ra là nếu có một chánh án nào đó nhận thấy trong vụ án A thẩm phán phụ trách làm không đúng pháp luật, ông ra có quyền ra lệnh, buộc thẩm phán ấy làm theo ý mình cho đúng pháp luật không? Nếu vị chánh án này không áp đặt quan điểm của mình thì thẩm phán sẽ làm sai, sẽ gây thiệt hại, khiến ông và đơn vị phải gánh hậu quả. Nhưng nếu ông can thiệp, áp đặt quan điểm của mình, buộc người thẩm phán phải nghe theo thì lại vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử.
Như vậy, phải chăng quy định này đã có sự “mâu thuẫn”, làm khó cho người lãnh đạo? Một mặt bắt buộc ông ta phải “duyệt án”, phải chỉ đạo vì là người quản lí, chịu trách nhiệm chính, một mặt yêu cầu ông ta không được làm gì cả vì thẩm phán xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật?
Lãnh đạo tòa đang lúng túng
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chánh án TAND tỉnh Bình Dương đã hết sức băn khoăn. Theo ông, không ai có thể phủ nhận được việc thẩm phán xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. cái này phải đặt lên trên hết, phải được tôn trọng, chấp hành. Khi xét xử, ông thẩm phán chỉ biết pháp luật là người “lãnh đạo” mình mà thôi. Tuy nhiên, phần người lãnh đạo thì sao? Pháp luật giao cho họ quyền quản lí hoạt động cơ quan mình, đồng thời phải chịu trách nhiệm chính về chất lượng xét xử, về quản lí công tác ngành. Bây giờ biết chắc việc thẩm phán sẽ làm gây “cháy nhà”, không lẽ lại làm ngơ? Lãnh đạo phải can thiệp ngay chứ! Không lẽ đặt ra người lãnh đạo là chỉ để phải chịu trách nhiệm, còn ngoài ra ông ta không được làm gì cả?
Tương tự, một thẩm phán TAND TP.HCM cũng tỏ ra rất trầm ngâm khi được hỏi về vấn đề này. Theo vị này, đây chính là cái khó của người lãnh đạo, người quản lí. Theo chỉ thị của TAND tối cao, việc báo án, trao đổi án là vẫn được phép làm để người lãnh đạo nắm được tiến độ giải quyết của thẩm phán, nội dung củ vụ án. Quy định chỉ nghiêm cấm việc lợi dụng nó để duyệt án…, hình thành nên các bản án bỏ túi mà thôi. Nhưng không ít lần thông qua việc trao đổi án, lãnh đạo thấy được rằng thẩm phán đang vận dụng pháp luật sai. Cái này cũng rất thường xảy ra. Lãnh đạo chỉ ra cái sai nhưng thẩm phán vẫn không chịu nhận và khăng khăng ý mình đúng. Lúc này, người lãnh đạo phải làm sao để ngăn chặn cái sai này?
Khắc phục ra sao?
Rõ ràng là những phân tích trên đã cho thấy muốn bỏ việc báo án, trao đổi án cũng không phải là dễ. Không ít người đã nhìn nhận vì trách nhiệm, vì nhiệm vụ quản lí mà người lãnh đạo phải can thiệp sâu vào nội dung vụ án, thậm chí đôi khi phải buộc thẩm phán xử theo ý mình. Làm thế không phải là họ hoàn toàn tiêu cực, “có vấn đề” mà là do cơ chế đã buộc họ phải làm như vậy.
Điều quan trọng là giải quyết mối quan hệ này như thế nào cho hài hòa trong điều kiện hiện nay? Chúng tôi đã gặp nhiều lãnh đạo tòa và ghi nhận được ba luồng quan điểm chính.
Quan điểm thứ nhất nhìn nhận dựa vào thực tiễn xét xử, phải chấp nhận cho người lãnh đạo được duyệt án, được chỉ đạo để đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Quan điểm thứ hai cho rằng phải sửa đổi cơ chế. Theo đó, lãnh đạo tòa có thể chịu trách nhiệm về chương trình làm việc sao cho hợp lí, hiệu quả. Còn khi đã giao vụ án cho thẩm phán thì coi như xong, không phải quan tâm nữa, thẩm phán nào sai thẩm phán đó chịu trách nhiệm.
Luồng quan điểm cuối cùng thì nói rằng thẩm phán và lãnh đạo vẫn phải trao đổi, báo án cho nhau để ràng buộc quan hệ giữa người điều hành và người thực hiện. Nếu xảy ra mâu thuẫn giữa hai bên, thẩm phán vẫn có quyền xử theo ý mình nhưng lúc này cho phép người lãnh đạo được lập biên bản ghi rõ quan điểm của từng bên. Nếu thẩm phán làm theo ý mình mà sai thì thẩm phán tự chịu trách nhiệm.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm chính về quản lí đối với các mặt công tác, đặc biệt là chất lượng xét xử, không được lạm dụng việc tổ chức công tác xét xử, trao đổi ý kiến về chuyên môn nghiệp vụ để hình thành chế độ duyệt án, áp đặt quan điểm cá nhân trái với nguyên tắc độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ án…
(Trích chỉ thị 01 ngày 1/3 của Chánh án TAND tối cao về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác của ngành tòa án năm 2007)
* Ngày 31/5 TAND tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội thảo bàn về việc nâng cao chất lượng quản lí công tác chuyên môn theo Chỉ thị 01 ngày 1-3 của Chánh án TAND tối cao. Nhiều chánh án các tòa án huyện đã tỏ ra lúng túng và có cách hiểu không đồng nhất về mối quan hệ, trách nhiệm quản lí của người đứng đầu và thẩm phán khi xét xử. Tuy nhiên, một vấn đề đã được thống nhất cao là lãnh đạo phải được nghe thẩm phán báo án (với những vụ án phức tạp, vụ án nhiều quan điểm) để biết được tiến độ giải quyết án của thẩm phán, nội dung của vụ án… Có như vậy thì người lãnh đạo mới có thể quản lí, điều hành được.
Phan Gia Hy
Theo Báo Pháp luật TP.HCM ngày 4/6/2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét