Thứ Tư, 12 tháng 9, 2007

Tranh tụng không có nghĩa bỏ hẳn xét hỏi

Gần đây, báo chí, đặc biệt là báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh có nhiều bài nhìn lại thực trạng tố tụng sau năm năm cải cách tư pháp, trong đó nêu ra một số vấn đề còn tồn tại trong hoạt động xét xử như tòa dồn ép, buộc tội bị cáo; viện kiểm sát không tranh tụng, chuyện án “bỏ túi”…. Về những vấn đề này, ông Đinh Văn Quế, chánh án Tòa hình sự TAND tối cao, đã dành cho báo một cuộc trao đổi rất thẳng thắn.

- Không ít trường hợp khi xét hỏi, chủ tọa phiên tòa như đã kết luận bị cáo phạm tội.

- Nhiều trường hợp kiểm sát viên không chủ động xét hỏi mà chờ chủ tọa phiên tòa nhắc…

Theo ông Quế, năm năm cải cách tư pháp, phiên tòa hình sự ở tòa án các cấp đã có nhiều tiến bộ, thu được những kết quả nhất định: từng bước bảo đảm được sự tôn nghiêm, dân chủ, văn minh; chất lượng xét xử được nâng cao; hạn chế thấp nhất việc xử oan, sai nghiêm trọng; tạo đà cho việc cải cách toàn diện các cơ quan tư pháp…

Tranh tụng đến đâu ?

Thưa ông, dư luận cho rằng gần đây vấn đề tranh tụng tại phiên tòa hình sự không được các tòa án quan tâm như trước?

Đúng là trong thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng it nói đến vấn đề tranh tung tại phiên tòa như thời gian sau khi có Nghị quyết số 8–NQ/TW ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị nhưng không vì thế mà cho rằng tòa án không quan tâm đến vấn đề tranh tụng nữa. Trong các văn bản hướng dẫn, cũng như trong các lớp tập huấn cho các thẩm phán về kỹ năng xét xử, TAND tối cao vẫn thường xuyên nhắc nhở các tòa án phải tiếp tục quán triệt Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 2-1-2002 và Nghị quyết số 49NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị và các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự dân chủ; việc phán quyết của tòa phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên xử.

Có người nói vì Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 quy định tòa xét hỏi trước và chịu trách nhiệm xét hỏi trước chính nên tính chất tranh tụng tại phiên tòa không được thể hiện một cách đầy đủ?

Trước đây, khi soạn dự thảo Bộ Luật Tố tụng hình sự 2003, cơ quan chức năng có tính đến chuyện quy đinh Viện Kiểm sát (VKS) hỏi trước, tòa án hỏi bổ xung… nhưng khi đưa ra thảo luận thì không đứng vững được vì như thế sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống pháp luật của ta.

Theo tôi, tranh tụng tại phiên tòa hình sự chỉ là một trong những hoạt động tố tụng chứ không bao trùm lên toàn bộ hoạt động tố tụng hình sự. Tranh tụng tại phiên tòa nhưng vẫn giữ được bản chất của “tố tụng xét hỏi” trên cơ sở kết quả điều tra và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Mặc dù không phải là “tố tụng tranh tụng” nhưng tính chất tranh tụng tại phiên tòa vẫn là sự tranh luận giữa người có quyền và lợi ích đối lập nhau như giữa kiểm sát viên, người bị hại với bị cáo, người bào chữa; trong một số trường hợp là giữa kiểm sát viên với người bị hại; giữa người tham gia tố tụng với nhau. HĐXX không phải là người tham gia tranh tụng mà chỉ là người có tổ chức, điều khiển việc tranh tụng tại phiên tòa giữa những người có quyền và lợi ích đối lập nhau. Do đó, vai trò của HĐXX mà trực tiếp là chủ tọa phiên tòa trong việc tranh tụng như thế nào để đạt được mục đích là vô cùng quan trọng.

Luật có mâu thuẫn?

Cũng có người nói là Nghị quyết 08 đề cao “tố tụng tranh tụng” nhưng Bộ luật Tố tụng hình sự lại chưa thể chế hóa được yêu cầu này khi vẫn quy định về “tố tụng xét hỏi”. Như vậy có mâu thuẫn? Có cần phải sửa luật để phiên tòa thật sự có tính tranh tụng?

Giữa Nghị quyết 08 và Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành không có gì mâu thuẫn cả. Tố tụng của chúng ta là “tố tụng xét hỏi”, còn tinh thần tranh tụng theo Nghi quyết 08 là bảo đảm tranh tụng dân chủ với luật sư, bào chữa, những người tham gia tố tụng chứ đây không phải là “tố tụng tranh tụng” như ở một số nước khác theo pháp luật án lệ.

Trước khi có Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, Bộ Tư pháp đã có cả một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ cho rằng tố tụng của ta muốn hòa nhập giữa “tố tụng tranh tụng” với tố tụng xét hỏi”, giữa luật thành văn với án lệ. Một số nhà khoa học đặt vấn đề Viêt Nam cũng muốn theo “tố tụng tranh tụng” như một số nước trên thế giới, trong khi hệ thống pháp luật của ta là luật thành văn. Đây là vấn đề mới, khi đưa ra thảo luận trước Quốc hội, do còn nhiều ý kiến khác nhau, không thông qua nên Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 vẫn theo hướng “tố tụng xét hỏi”.

Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 có cần sửa đổi không? Luật pháp bao giờ cũng đi sau cuộc sống nên có những luật vừa ban hành đã phải sửa đổi. Nghị quyết 49 cũng phải sửa đổi bộ luật này cho phù hợp với hội nhập. Nhưng sửa như thế nào thì các cơ quan chức năng phải xem xét: “Tố tụng tranh tụng” và “tố tụng xét hỏi” có sửa hay không thì cũng phải xem xét và đi từng bước căn cứ vào thực tiễn.

Nhiều tòa vẫn kết tội trước?

Nhưng thưa ông, thực tế vẫn có không ít thẩm phán thay vì phải làm nhiệm vụ như ông nói cũng vội về “phe” kiểm sát viên kết tội bị cáo?

Tôi cho rằng nhìn chung, ở rất nhiều phiên tòa, HĐXX mà trước hết là chủ tọa phiên tòa đã thể hiện được vai trò điều khiển việc xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, đồng thời xử lý kịp thời, đúng pháp luật các tình huống xảy ra tại phiên tòa. Những ý kiến khác nhau được HĐXX tôn trọng và dành thời gian thỏa đáng để cho các bên tranh luận phát biểu ý kiến của họ nhằm tìm ra sự thật….

Tuy nhiên, tại một số phiên tòa, việc xét hỏi chưa tập trung vào những vấn đề mâu thuẫn, còn có ý kiến khác nhau. Cũng có trường hợp khi xét hỏi, thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã kết luận bị cáo phạm tội. Hay khi xét hỏi, những người tham gia xét hỏi không tập trung theo dõi, nhiều câu hỏi và bị cáo hoặc người tham gia tố tụng đã trả lời nhưng kiểm sát viên và luật sư vẫn hỏi lại…

Và vẫn còn tình trạng kiểm sát viên không tranh luận mà chỉ nói “giữ nguyên quan điểm đã truy tố” Ông nghĩ sao về thực tế này?

Đại diện VKS giữ nguyên công tố tại phiên tòa phải bảo vệ cáo trạng của VKS truy tố bị cáo tại phiên tòa; chứng minh mọi luận điểm trong cáo trạng bằng việc chủ động xét hỏi thẩm vấn, đưa ra những chứng có trực tiếp và chững cớ gián tiếp để chứng minh tội phạm, làm sáng tỏ đầy đủ chi tiết từng sự việc của vụ án. Nhưng còn có phiên tòa kiểm sát viên không chủ động xét hỏi mà chờ chủ tọa phiên tòa nhắc mới hỏi và cũng chỉ hỏi có tính chất bổ xung, còn việc hỏi để chứng minh tội phạm và làm sáng tỏ đầy đủ các tình tiết của vụ án vẫn do chủ tọa phiên tòa thực hiện.

Phần tranh luận, một số kiểm sát viên không đưa ra những lập luận của mình đối với từng ý kiến mà luật sư và những người tham gia tố tụng nêu ra làm cho việc tranh tụng bị hạn chế.

HĐXX không được áp đặt, “mớm cung”?

Vậy theo ông, để phiên tòa đảm bảo được yêu cầu tranh tụng theo Nghị quyết 08 trong “tố tụng xét hỏi” hiện nay thì ngành tòa án cần phải làm gì?

Tôi cho rằng trong từng giai đoạn xét xử có những yêu cầu cụ thể đối với từng thành viên của HĐXX mà đặc biệt là vai trò của chủ tọa phiên tòa.

Giai đoạn chuẩn bị xét xử, HĐXX cần trao đổi với kiểm sát viên tham giam phiên tòa về kế hoạch xét hỏi (đề cương thẩm vấn); cần có sự phân công là HĐXX hỏi những nội dung gì. Việc thống nhất về phương pháp xét hỏi này hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập xét xử của HĐXX.

Giai đoạn tranh luận tại phiên tòa, để việc tranh luận diễn ra được dân chủ, khách quan, HĐXX phải chú ý lắng nghe, tôn trọng ý kiến của kiểm sát viên, luật sư và những người tham gia tố tụng, tránh định kiến sẵn, đặc biệt phải chú ý lắng nghe ý kiến của luật sư, của bị cáo nếu khác với lời luận tội của viện kiểm sát….

Trong cả giai đoạn xét hỏi cũng như tranh luận, HĐXX không được có những lời lẽ khẳng định hay phủ định bất cứ vấn đề nào mà kiểm sát viên, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác nêu ra, cũng không được đánh giá, nhận xét đúng sai. Nếu cần phải giải thích cho người tham gia tố tụng thì chỉ giải thích quyền và nghĩa vụ tố tụng, tuyệt đối không được giải thích các quy định của BLHS…

Xin cảm ơn ông.

Ý kiến luật sư thường bị “bỏ qua”?

Giới luật sư than phiền rằng ý kiến của họ thường bị HĐXX “bỏ qua”. Điều này thể hiện rõ nhất ở việc có những tình tiết quan trọng luật sư đưa ra để tranh luận gỡ tội cho bị cáo hoặc bảo vệ quyền cho đương sự nhưng không được lập luận trong bản án. Đây cũng là lý do khiến dư luận nghi ngờ về sự tồn tại của “án bỏ túi”?

Thực tế đúng là có trường hơp HĐXX kết luận trước về lời khai của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác khiến cho bị cáo và nhưng người tham dự phiên tòa cho rằng bản án được viết sẵn (án bỏ túi). Hay một số bản án của tòa còn thiếu sức thuyết phục, nhất là trong phần nhận định phải xử phạt thật nghiêm khắc đối với bị cáo những phần quyết định lại cho bị cáo hưởng án treo. Mặt khác, có nhưng tình tiết quan trọng luật sư đưa ra để tranh luận nhằm gỡ tội cho bị cáo hoặc bảo vệ quyền lợi của đương sự nhưng không được lập luận trong bản án….

Đức Minh

Theo báo Pháp Luật TP.HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến