Đó là quan điểm của đa số cơ quan chức năng trong buổi tọa đàm đóng góp ý kiến xây dựng thông tư liên tịch về quản lý trò chơi trực tuyến do Bộ VHTT tổ chức sáng nay tại Hà Nội. Đây cũng là lý do vấn đề này không được đưa vào nội dung của bản dự thảo lần 7 của thông tư.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (VHTT) Đỗ Quý Doãn khẳng định: "Việc nhìn nhận đồ vật trong game là tài sản hay không rất cần thiết. Tuy nhiên, do vấn đề này còn mới và có nhiều phức tạp nên tạm thời chưa đưa vào thông tư này".
Theo ông, thông tư liên tịch về quản lý trò chơi trực tuyến lần này chỉ nhằm quản lý về mặt an ninh và nội dung văn hoá. Vì vậy, những vấn đề liên quan như thuế, tài sản trong game không được đưa vào nội dung thông tư. Trước mắt, các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ game trực tuyến sẽ tự xây dựng quy chế để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình.
Thứ trưởng Doãn nhấn mạnh: "Bộ VHTT không phủ nhận tài sản ảo. Nhưng việc công nhận tài sản ảo với đưa nội dung bảo hộ tài sản ảo vào thông tư hoàn toàn khác nhau. Vấn đề này sẽ được nghiên cứu thêm và điều chỉnh bằng văn bản khác".
Trong văn bản đóng góp ý kiến gửi ban soạn thảo thông tư, Bộ Thương mại nêu rõ quan điểm công nhận những đồ vật trong game trực tuyến là tài sản: "Sản phẩm ảo trong trò chơi trực tuyến là tài sản theo quy định của pháp luật hiện hành ... Người có sản phẩm ảo có quyền sở hữu tài sản". Bộ Thương mại cũng khẳng định cần có các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ các điều kiện kinh doanh đối với mua bán, chuyển nhượng sản phẩm ảo trong trò chơi trực tuyến. Tuy nhiên, Bộ Thương mại đồng ý chưa nên đưa nội dung này vào điều chỉnh trong thông tư liên tịch.
Một trong những khó khăn mà các cơ quan chức năng "tiếp tục nghiên cứu kỹ" là số phận của những tài sản này sau khi trò chơi không còn được cung cấp. Các trò chơi có thể tồn tại trong 1 tháng, 1 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa, nhưng đến khi ngừng cung cấp thì những tài sản trong game đó sẽ ra sao? Nếu không giải quyết thấu đáo vấn đề này sẽ phát sinh những tranh chấp giữa nhà cung cấp với game thủ.
Ngoài vấn đề về tài sản trong game, các nhà cung cấp game tán thành hầu hết nội dung được nêu trong bản dự thảo lần 7 của thông tư. Doanh nghiệp muốn tham gia kinh doanh game trực tuyến bắt buộc phải có 2 giấy phép: giấy phép về mặt nội dung do Bộ VHTT cấp và giấy phép cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet (OSP) do Bộ Bưu chính viễn thông cấp. Vấn đề thuế vẫn cần được nghiên cứu thêm, do đó không có mặt trong thông tư này. Các nhà cung cấp game phối hợp với các cơ quan chức năng để xây dựng hệ thống quản lý 3 giờ chơi có điểm đối với game thủ.
Dự kiến thông tư sẽ được hoàn chỉnh và trình Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm vào cuối tháng 3 này.
Hưng Hải/VNEXPRESS.NET
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét