Thứ Tư, 12 tháng 9, 2007

Cần văn bản riêng về tài sản trong game

Thứ trưởng Bộ Văn hóa thông tin Đỗ Quý Doãn cho rằng bảo hộ tài sản trong game là một vấn đề lớn, phải được nghiên cứu và quyết định ở một văn bản cấp cao, đầy đủ hơn Thông tư. Đại diện Bộ Bưu chính viễn thông cũng thừa nhận tài sản này là quyền lợi hợp pháp của người chơi. 

Thứ trưởng Doãn đặt vấn đề, trò chơi nào cũng có thời hạn nhất định. Sau một vài năm, nó không còn hấp dẫn, nhà cũng cung cấp phải dừng game lại thì tài sản trong đó tất nhiên sẽ không còn. "Vì thế mà vấn đề này quá phức tạp. Chưa quốc gia nào có chế tài cho việc bảo hộ tài sản trong game. Ở Việt Nam, các chế tài pháp lý hiện nay chỉ quy định cho tài sản thật", ông Đỗ Quỹ Doãn phân tích. "Tôi cho rằng vấn đề này phải được quy định như giao dịch thương mại điện tử với một văn bản cấp cao và toàn diện và có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành và các cơ quan khác nhau".

Đại diện Bộ Bưu chính Viễn thông tham gia việc soạn thảo Thông tư game online, Phó Vụ trưởng Vụ viễn thông Lê Thị Ngọc Mơ, nhận định với VnExpress: "Tài sản trong game là quyền lợi hợp pháp của người chơi và cần được bảo vệ. Tuy nhiên, coi đó là tài sản hay không thì phải xem xét kỹ vì liên quan đến nhiều vấn đề pháp luật", bà Mơ nói.

Với chức năng đảm bảo về an toàn và an ninh cho cả hệ thống mạng Internet quốc gia, trách nhiệm của Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT) trong Thông tư liên tịch về quản lý trò chơi trực tuyến là xây dựng những nội dung liên quan đến hạ tầng kỹ thuật nhằm đảm bảo cân bằng giữa 3 yếu tố: thông suốt của đường truyền mạng lưới quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và quyền lợi của doanh nghiệp tham gia cung cấp game.

Bà Lê Thị Ngọc Mơ cho rằng nên đặt vấn "quản lý như thế nào" thay vì phải băn khoăn với "giấy phép gì", vì tất cả các loại giấy phép cũng chỉ hướng đến việc quản lý. "Quan điểm của Bộ BCVT là việc quản lý phải mềm dẻo. Bản thân trò chơi trực tuyến cũng là một loại hình giải trí hiện đại, có những yếu tố tích cực nhất định như tăng số người tiếp xúc với máy tính và Internet. Đây cũng là cơ hội mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet", đại diện Bộ BCVT bày tỏ. "Việc quản lý loại hình giải trí này chỉ nhằm hạn chế những tác hại do chơi game quá độ và cân bằng lợi ích giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp, giữa game trực tuyến và các ứng dụng Internet khác mà thôi".

Theo nội dung của bản dự thảo lần 8 của Thông tư, các doanh nghiệp muốn phát hành game trực tuyến tại Việt Nam cần có 2 loại giấy phép gồm: Giấy cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet (OSP), ghi rõ loại hình dịch vụ là “trò chơi trực tuyến” (Online games) do Bộ BCVT cấp và Văn bản phê duyệt của Bộ Văn hoá thông tin về nội dung và kịch bản của từng game.

Trong khoản 1, điều 12 của dự thảo Thông tư nêu rõ những yêu cầu về mặt kỹ thuật mà doanh nghiệp phải đáp ứng để được phép cung cấp game trực tuyến. Trong đó, bản đề án chi tiết về phương án kỹ thuật của doanh nghiệp phải thể hiện được những đảm bảo về mặt quyền lợi đối với khách hàng. "Đây sẽ là căn cứ để giải quyết những tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng", bà Mơ khẳng định.

"Ngay cả khi đã ban hành, Thông tư này cũng chỉ là một trong những biện pháp hạn chế tác hại của game online và nó phải được phối hợp cùng những yếu tố kỹ thuật, tuyên truyền giáo dục... Tôi cho rằng, nâng cao nhận thức là vấn đề cốt lõi chứ đừng nên tuyệt đối hóa bất kỳ biện pháp nào", ông Đỗ Quý Doãn bày tỏ.

Phó Vụ trưởng Vụ viễn thông cũng bình luận rằng biện pháp hạn chế 3 giờ là một lời cảnh báo đối với các game thủ về tác hại của việc chơi game quá sức. "Đây hoàn toàn là giải pháp mở nhắm vào ý thức của người chơi. Cũng giống như giải pháp đèn xanh đèn đỏ trong giao thông, nếu người tham gia giao thông cố tình vượt đèn đỏ khi không có bóng công an thì họ đang tự gây nguy hiểm cho chính mình", bà Mơ dẫn chứng.  

Theo thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, Bộ VHTT đã hoàn thành nhiệm vụ của mình đối với Thông tư và đang chờ ý kiến từ phía các Bộ BCVT, Công an... để cùng thông qua. Còn các phòng ban chức năng Bộ BCVT cũng đang nghiên cứu hoàn tất văn kiện về Thông tư để trả lời Bộ VHTT. Trao đổi với VnExpress, bà Mơ cho rằng nội dung chính của bản dự thảo 8 đã có sự nhất trí cao giữa các bộ tham gia soạn thảo. Nó vẫn có thể được chỉnh sửa, nhưng chỉ xoay quanh việc cụ thể hoá các vấn đề nhằm dễ dàng triển khai khi ban hành.

Bà Mơ dự đoán, những vấn đề liên quan đến trò chơi trực tuyến báo hiệu một bước phát triển mới trong việc ứng dụng Internet. Rất có thể trong tương lai gần, những loại hình dịch vụ ứng dụng tương tự sẽ xuất hiện và cần được nghiên cứu kỹ để kịp thời điều chỉnh những nội dung mới này.

Nguyễn Hằng - Hưng Hải/VNEXPRESS.NET

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến