Chứng minh và chứng cứ là yếu tố “xương sống” của pháp luật tố tụng. Mọi hoạt động tố tụng đều tập trung làm rõ những vấn đề cần phải chứng minh bằng việc thu thập và đánh giá chứng cứ. Việc nhận thức không đúng đắn về vấn đề chứng minh và chứng cứ ắt sẽ dẫn đến giải quyết vụ án không đúng pháp luật. Từ thực tế trong những năm qua nhiều vụ án (nhất là các vụ án tranh chấp đất đai) phải “xoay” nhiều vòng với các kết quả giải quyết “sớm nắng, chiều mưa” đều phát sinh từ sự nhận thức thiếu thống nhất giữa các cấp Tòa án vè chứng minh và chứng cứ.
Từ một thực tế…
Vụ án tranh chấp lối đi giữa nguyên đơn – ông N.N.H và bị đơn – ông N.D.X là một ví dụ điển hình về vấn đề này. Theo các chứng cứ thu thập được như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây gọi tắt là sổ đỏ), bản đồ địa chính thì phía Đông thửa đất của ông X có một lối đi từ quốc lộ 12A vào thửa đất của ông H rộng 2.5m. Trong khi đó ông X lại cho rằng trước đây con đường chỉ là một bờ ruộng 0,4m, từ khi ông về ở thửa đất này cho đến nay vì tình làng nghĩa xóm nên ông vẫn cho phép gia đình ông H sử dụng con đường này. Sổ đỏ của ông được cấp từ năm 1992 không thể hiện có con đường. Thế nhưng, vào năm 2001 khi ông làm thủ tục chuyển nhượng đất cho anh T, UBND huyện QT đã cấp lại sổ đỏ khác, trong đó có ghi phía Đông giáp đường kiệt xóm, ông hoàn toàn biết nhưng nghĩ rằng đường đó cũng là đất của mình nên không có khiếu nại gì (nay đã hết thời hiệu khiếu nại). Căn cứ vào sổ đỏ của ông X và bản đồ địa chính, các Bản án sơ thẩm lần một số 33/2005/DSST ngày 26/8/2005 và lần hai số 47/2006/DSST ngày 26/9/2006 của TAND huyện QT đều quyết định chấp nhận đơn khởi kiện của ông H, theo đó ông H có quyền sử dụng lối đi rộng 2,5m giáp phía Đông vườn nhà ông X. Trong khi đó Bản án phúc thẩm lần một số 06/2006/DSST ngày 27/02/2006 của TAND tỉnh Q cho rằng Toà án cấp sơ thẩm chưa áp dụng các biện pháp để xác định diện tích đất của ông X thừa hay thiếu so với sổ đỏ nên đã quyết định hủy án sơ thẩm. Tại Bản án phúc thẩm lần hai số 35/2006/DSST ngày 19/12/2006 của TAND tỉnh Q đã quyết định sửa bản án sơ thẩm, thừa nhận có con đường chỉ rộng 0,4m và buộc ông H phải trả cho ông X 16.373.000đ để được sử dụng con đường rộng 1,5m. Không “tâm phục, khẩu phục” nên hiện nay ông H đã làm đơn yêu cầu những người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm này.
Hoặc như trong vụ tranh chấp đất giữa bà Trần Thị Hồng Thu và ông Trần Hữu Sơn, TAND huyện Hướng Hóa và TAND tỉnh Quảng Trị đã căn cứ vào diện tích đất ghi trong sổ đỏ để xét xử buộc ông Sơn trả cho bà Thu 21,4m2. Trong khi đó VKSND huyện Hướng Hóa và VKSNDTC lại cho rằng UBND huyện Hướng Hóa cấp sổ đỏ cho bà Thu và ông Sơn là không đúng nên đã liên tục kháng nghị các bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Vụ tranh chấp này cho đến nay đã trải qua năm phiên tòa nhưng vẫn chưa đến hồi kết.
…Tòa án có phải đi tìm ẩn số?
Trên đây chỉ là hai trong rất nhiều vụ án mà các cơ quan tiến hành tố tụng nhận thức khác nhau về giá trị của các chứng cứ, tài liệu thuộc hồ sơ địa chính do cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai ban hành, dẫn đến việc đưa ra các phán quyết trái ngược nhau.
Vậy, trong hai luồng nhận thức đó, quan điểm nào là đúng pháp luật? Để trả lời câu hỏi này cần phải căn cứ vào các quy định của BLTTDS về chứng minh và chứng cứ cùng các văn bản pháp luật liên quan. BLTTDS đã quy định đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc phản đối yêu cầu của người khác phải có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu hoặc sự phản đối của mình là có căn cứ và hợp pháp. Điều 80 BLTTDS còn quy định về những tình tiết, sự kiện mà đương sự không phải chứng minh, trong đó có các tình tiết, sự kiện được xác định trong các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật;… Do vậy, trong vụ án dân sự thì sổ đỏ, bản đồ hoặc trích lục bản đồ địa chính là những chứng cứ quan trọng để Tòa án làm căn cứ giải quyết vụ án mà không cần phải chứng minh tính hợp pháp của nó. Luật Đất đai (LĐĐ) 2003 đưa ra tiêu chí để phân định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất giữa Tòa án và UBND đó là đất đã có sổ đỏ hoặc các giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2 và 5 Điều 50 LĐĐ là hoàn toàn có chủ ý. Tòa án không phải là cơ quan quản lý đất đai nên không thể nắm được mọi biến động trong quá trình sử dụng đất của các chủ thể, do đó sổ đỏ và các giấy tờ liên quan đến thửa đất do cơ quan quản lý đất đai lập là chứng cứ quan trọng để Tòa án đưa ra các phán quyết.
Tuy nhiên, các giấy tờ tài liệu về quản lý đất đai không phải bao giờ cũng chính xác và hợp pháp. Do đó, trong trường hợp đương sự cho rằng các giấy tờ tài liệu đó là không hợp pháp thì Tòa án phải tạm đình chỉ giải quyết vụ án và hướng dẫn họ thực hiện quyền khiếu kiện theo thủ tục hành chính đối với cơ quan quản lý đất đai để có sự phán quyết về giá trị pháp lý của các tài liệu đó. Trong khi giải quyết vụ án dân sự, Tòa án không có quyền đưa ra các phán xét về giải trị pháp lý của các giấy tờ tài liệu do cơ quan hành chính ban hành mà quyền này chỉ được thực hiện trong vụ án hành chính.
Cũng giống như trong vụ án hình sự, trường hợp do chưa có đủ tài liệu để xác định các thiệt hại nên Tòa án đã tách phần bồi thường để giải quyết bằng một vụ án dân sự. Nếu khi giải quyết vụ án dân sự, bị cáo đưa ra chứng cứ để cho rằng họ bị kết tội oan nên không có trách nhiệm phải bồi thường thì Tòa án không thể kết luận bản án hình sự là oan để phủ nhận giá trị pháp lý của nó mà cần phải hướng dẫn đương sự kiến nghị việc kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án hình sự và ra quyết định tạm đình chỉ vụ án dân sự, sau khi có sự phán xét bản án hình sự đúng hay sai mới có sở để giải quyết vụ án dân sự.
Do đó, trong khi giải quyết vụ án dân sự, Tòa án phải biết về giới hạn “sân chơi” của mình chứ không thể “đá lấn sân” và phải coi mình là một người giám khảo xem xét đưa ra phán quyết chứ không thể tự đặt mình vào vị thế của một thí sinh để mày mò đi tìm ẩn số.
Theo Pháp luật Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét