Số phận của đồ vật, nhân vật trong game trực tuyến vốn được coi là "vấn đề sống còn" của loại hình giải trí này. Phía cơ quan quản lý và các nhà cung cấp vẫn có những quan điểm rất khác nhau về việc công nhận hay không những tài sản như vậy.
Đối với những nhà cung cấp đã công nhận giá trị của tài sản trong game, chúng được coi là "dữ liệu máy tính có giá trị mà người chơi có được trong quá trình tìm kiếm". Ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc Công ty FPT Telecom (đơn vị cung cấp 2 game PTV và MU), nói: "Những đoạn mã đó là có thực và vì thế mà những tài sản trong game không phải là ảo. Sự quý hiếm và những tính năng đặc biệt của món đồ giúp người chơi thoả mãn trong game là giá trị của nó".
Ngược lại với ý kiến trên, Công ty VinaGame lại khẳng định: "Những vật phẩm trong trò chơi là sở hữu của đơn vị phát triển phần mềm trò chơi". Trong trường hợp game Võ lâm truyền kỳ đang được công ty này cung cấp tại Việt Nam, quyền sở hữu vật phẩm sẽ thuộc về hãng nắm bản quyền là KingSoft tại Trung Quốc.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn Anh, đại diện đối ngoại của VinaGame, cũng cho biết thêm: "Quan điểm của VinaGame được dựa trên thông lệ của việc sử dụng các sản phẩm như phần mềm, sách báo, nhạc, phim, người dùng cuối được phép sử dụng và phải chấp nhận những quy định của nhà cung cấp khi sử dụng như không được sao chép, không được kinh doanh lại. Chắc chắn là không thể có chuyện người dùng cuối có quyền sở hữu sản phẩm (hay một phần của sản phẩm) được".
Đa số game thủ cũng cho rằng những đồ vật trong game do nhân vật của họ kiếm được đều thuộc quyền sở hữu của nhân vật đó, cũng là thuộc về chủ của nhân vật. Việc mua bán, cho tặng những đồ vật trong game hoàn toàn do chủ sở hữu quyết định.
"Chúng tôi không mua bán phần mềm game, chúng tôi trao đổi những vật phẩm trong game. Giống như tôi có thể trao đổi những bản thiết kế được vẽ bằng AutoCAD chứ không mua bán phần mềm đó", anh Nguyễn Công Vinh, một gamer của Võ lâm truyền kỳ tại Hà Nội, nói.
Thậm chí, có ý kiến cho rằng nên tách quyền sở hữu với quyền sử dụng đối với tài sản trong game. Theo ý kiến này, nhà cung cấp game sẽ nắm quyền sở hữu tài sản trong game vì những "dữ liệu máy tính có giá trị" do phần mềm của mình tạo ra. Đây là cơ sở để nhà cung cấp dịch vụ game trực tuyến đề ra những quy tắc để chuyển giao quyền sử dụng cho người chơi và thu hồi những đồ vật, tài sản trong game nếu những nguyên tắc đó bị vi phạm.
Người chơi có được quyền sử dụng tài sản trong game bằng cách trả phí cho nhà cung cấp. Quyền đó thuộc về game thủ để có thể tự do sử dụng tài sản theo ý mình hoặc trao đổi, mua bán quyền này với người khác. Trên thực tế, bấy lâu nay các game thủ cũng chỉ trao đổi nhau quyền sử dụng tài sản trong game, bất kể là tài khoản, nhân vật hay đồ vật bởi không ai có thể cắt đoạn mã máy tính ra khỏi hệ thống của trò chơi.
Bên cạnh vấn đề về chủ sở hữu tài sản ảo là câu hỏi về cách thức và mức độ bảo hộ cho loại tài sản này. Theo luật sư Nguyễn Hoàn Thành của văn phòng Luật sư Phạm và liên danh, tài sản trong game trực tuyến là đối tượng rất đặc biệt mang nhiều đặc điểm gần giống với tài sản sở hữu trí tuệ. "Vướng mắc chính trong việc xây dựng hành lang pháp lý cho những tài sản trong game là sẽ công nhận và bảo hộ cho nó như thế nào", luật sư Thành nói. "Hiện tại vẫn còn khá nhiều vấn đề bất cập như xác định giá trị tài sản để bảo hộ trong không gian ảo, mức độ bảo hộ và trách nhiệm của nhà cung cấp đối với các tài sản đó".
Luật sư Thành cũng nêu ra những điểm khác biệt trong việc bảo hộ tài sản trong game với tài sản thật: "Trong game, việc các nhân vật đọ sức, cướp bóc để giành những món đồ là chuyện phổ biến nhưng việc này không được chấp nhận ngoài đời thực. Mặc khác, do tính đặc thù của mình nên giá trị của những tài sản trong game cũng chưa có được hệ thống định giá rõ ràng, gây khó khăn cho việc bảo hộ những tài sản đó". Ông Thành bổ sung, gần giống với tài sản trong game, tên miền trên Internet cũng không phải là tài sản sở hữu trí tuệ và được bảo hộ. Chính đối tượng được gắn với tên miền như một thương hiệu, loại hàng hoá hay vấn đề được quan tâm mới là tài sản và được bảo hộ.
Các đối tượng như tên miền, địa chỉ e-mail... thì lâu nay đã có khung pháp lý điều chỉnh riêng. Còn tài sản trong game hiện tại được điều chỉnh bởi thỏa thuận giữa nhà cung cấp game với các game thủ.
Việc công nhận hay không loại tài sản này phải do luật Dân sự điều chỉnh bởi luật này có những nội dung liên quan đến tài sản. Các luật khác như Thương mại điện tử, Sở hữu trí tuệ chỉ là điều chỉnh về mặt hình thức. Trong khi chờ đợi một hành lang pháp lý, các game thủ vẫn mặc nhiên thừa nhận loại tài sản này và việc trao đổi, buôn bán vẫn tiếp tục diễn ra bất chấp nhà cung cấp game có đồng ý hay không.
Hiện tại, một số công ty cung cấp game vẫn thận trọng với việc công nhận những đồ vật trong game là tài sản vì chưa thống nhất được quan điểm về sở hữu và bảo hộ.
(Theo Game Thủ.NET)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét