Thứ Tư, 12 tháng 9, 2007

Bàn về sở hữu và các hình thức sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta

Ở nước ta, sau hơn 15 năm thực hiện đổi mới, với những thành công và yếu kém nhất định, có những vấn đề lý luận tưởng chừng như đã được giải quyết, thế nhưng đến nay lại nổi lên trước sự đòi hỏi của thực tiễn. Một trong những vấn đề đó là vấn đề sở hữu nhà nước, DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Không phải chỉ xuất phát từ một đòi hỏi nào đó của thực tiễn như sự "ồn ào" ở Mỹ về vấn đề không công nhận nền kinh tế nước ta là kinh tế thị trường, (đòi hỏi chúng ta phải trả lời kinh tế của ta là kinh tế gì, có sở hữu thế nào...), mà ngay trong quan niệm thông thường của người ta rằng CHXH dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất và CNTB dựa trên chế độ tư hữu về TLSX hiện có chính xác hay không, cũng đòi hỏi những câu trả lời thoả đáng về sở hữu nói chung và các chủ thể sở hữu nói riêng.

ở đây, trong một chừng mực nhất định, bài viết muốn đứng trên giác độ của kinh tế chính trị để đưa ra cách nhìn mang tính tổng quát về sở hữu nói chung và sở hữu nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta nói riêng.

1- Về sở hữu.

Sở hữu trước hết là một quan hệ chiếm hữu của con người đối với tự nhiên thông qua lao động sản xuất. Không có lao động, thì không có chiếm hữu và do đó không có sở hữu. Với tư cách là lao động chung, trừu tượng của con người, sở hữu biểu hiện như một quan hệ sản xuất phản ánh lao động xã hội tổng thể của con người tác động, chiếm hữu những điều kiện khách quan phục vụ lợi ích của con người. Lao động tổng thể được cấu thành bởi tổng số các lao động cá biệt, biểu hiện ở thời gian lao động xã hội cần thiết mà xã hội phải giành ra để sản xuất sản phẩm nhất định.

Xét về mặt này, sở hữu bao giờ cũng mang tính xã hội, phản ánh mối quan hệ giữa con người với nhau trong quá trình chiếm hữu điều kiện lao động. Với tư cách là lao động cụ thể, có ích của con người, sở hữu biểu hiện như là quá trình chiếm hữu thực tế bằng lao động các đối tượng cụ thể để làm một vật phẩm nhất định. Xét về mặt này, sở hữu bao giờ cũng mang tính cá biệt, phản ánh một dạng hoạt động lao động cụ thể của con người. Tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hoá đã đem lại cho sở hữu một sự vận động mang tính hai mặt vừa thống nhất, lại vừa tách biệt nhau. Một mặt, sở hữu là hình thái xã hội tuyệt đối của của cải được xã hội thừa nhận như là giá trị, có thể tích luỹ, chuyển nhượng, hay trao đổi... Mặt khác, sở hữu lại phải luôn luôn ở một trạng thái hoạt động cụ thể, một sự chiếm hữu giá trị sử dụng nhất định. Vì vậy, nó bao giờ cũng thuộc về một quá trình chiếm hữu thực tế hay một quá trình kinh doanh của một chủ thể tư nhân, tập thể hay Nhà nước...

Hệ quả của tính hai mặt đó hay sự tách rời tương đối đó dẫn tới sự phân biệt giữa quyền sở hữu và quyền chiếm hữu thực tế (hay còn gọi là quyền sử dụng hoặc quyền kinh doanh). Quyền sở hữu ở đây là việc nắm quyền chi phối giá trị nhằm mục đích tìm kiếm một giá trị lớn hơn. Còn quyền chiếm hữu thực tế là việc thực hiện một hoạt động kinh tế cụ thể để tạo ra giá trị- nó là phương tiện để tăng giá trị, chính sự tách biệt này đã tạo ra những tầng lớp đầu tư gián tiếp, không trực tiếp kinh doanh, nhưng vẫn thu lợi bằng quyền sở hữu của mình. Trong quá trình lịch sử lâu dài, điều đó thể hiện ở sự ra đời và phát triển thị trường Tài chính và Công ty cổ phần trong nền kinh tế hàng hoá phát triển hay kinh tế thị trường.

Hệ quả của tính hai mặt của sở hữu giúp cho người ta nhìn nhận, không phân biệt đối xử với các loại hình sở hữu khác nhau khi sở hữu được khoác những tên thể hiện chủ sở hữu như sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể, sở hữu Nhà nước... Vì rằng, dù sở hữu mang tên chủ sở hữu nào chăng nữa, vẫn góp phần nói lên tính xã hội của sở hữu và chính tính xã hội của sở hữu, thể hiện ở hình thái giá trị, hình thái tiền tệ, cùng với sự vận động của nền kinh tế hàng hoá, hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính, Công ty cổ phần v.v... kéo theo nó là sự phồn thịnh của nền kinh tế.

2- Các hình thức sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.

Trước khi nghiên cứu các loại hình sở hữu, cần bàn (dù không nhiều) về phạm trù kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Trước hết, theo nhiều nhà nghiên cứu kinh tế, thuật ngữ đó đã được điều chỉnh qua mấy kỳ đại hội gần đây của Đảng và đến đại hội IX, mới có cụm từ kinh tế thị trường định hướng XHCN. Chúng ta thử nghiên cứu xem các nhà kinh điển của CN Mác - Lênin nói gì về nền kinh tế loại này. Khi nghiên cứu học thuyết Mác - Ăng ghen, người ta thấy C.Mác nói đến "kinh tế tiền tệ". C.Mác cho rằng, kinh tế tiền tệ là kinh tế chung cho tất cả mọi nền sản xuất hàng hoá (2). Ăng ghen dùng phạm trù "kinh tế tiền tệ" để đối lập với "kinh tế tự nhiên", Ông viết: "... chính từ đó mà nền kinh tế tiền tệ đang phát triển, đã thâm nhập, giống như một chất axít ăn mòn vào phương thức sinh hoạt của các cộng đồng nông thôn, dựa trên nền kinh tế tự nhiên" (3). Ngay cả Lênin cũng sử dụng phạm trù kinh tế tiền tệ để nói về nền kinh tế TBCN, rằng chế độ kinh tế hiện đại "dựa vào kinh tế tiền tệ" và vào việc "mua bán sức lao động" (4). Không biết Cácmác - Ăng ghen - Lênin có dùng thuật ngữ "kinh tế thị trường" ở cuốn sách nào đó không, cần phải có sự nghiên cứu tiếp theo.

Nhiều nhà kinh tế hiện đại chỉ đưa ra định nghĩa về thị trường. P.A.Samuelson đã viết "theo nghĩa đen, thị trường là nơi mua bán hàng hoá.." và "thị trường là một quá trình trong đó người mua và người bán một hàng hoá tác động qua lại nhau để xác định giá cả và số lượng hàng hoá" (5). Tuy nhiên, ông có nhắc đến "kinh tế thị trường" nhưng không định nghĩa về "kinh tế thị trường". David Begg, cũng chỉ nói đến thị trường, theo ông "thị trường là biểu hiện thu gọn của quá trình mà thông qua đó, quyết định của các gia đình và tiêu dùng các mặt hàng nào, các quyết định của các Công ty về sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và các quyết định của người công nhân về việc làm bao lâu, cho ai đều được dung hoà bằng sự điều chỉnh giá cả" (6).

Phải chăng, khi nền kinh tế dựa vào thị trường để vận động, phát triển và dựa vào đó, các nhà kinh tế học tư sản đã khái quát gọi là "nền kinh tế thị trường". Kinh tế thị trường dường như là giai đoạn phát triển cao của kinh tế hàng hoá thì chí ít, nó cũng là sản phẩm chung của nhân loại ở giai đoạn mà nền kinh tế thế giới bao gồm nhiều bộ phận mang đặc tính của các phương thức sản xuất khác nhau: Phương thức sản xuất TBCN, phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn thấp của nó là XHCN - như ở nước ta là định hướng XHCN.v.v.... với các nấc thang phát triển khác nhau: chậm phát triển, đang phát triển và phát triển... Kinh tế thị trường tồn tại trong nhiều phương thức sản xuất, nó vừa có tác động tích cực, vừa có hạn chế, tuỳ thuộc vào lợi ích kinh tế của giai cấp cầm quyền. Khi nói đến kinh tế thị trường, không thể không nói đến các hình thức sở hữu trong nền kinh tế đó. Trước khi đi vào chủ thể chính của mục này, xin nêu một ý của Các Mác về vấn đề này: "Nơi nào không có một hình thức sở hữu nào cả thì ở đó cũng không thể có một nền sản xuất nào cả, do đó, cũng không có một xã hội nào cả" (7).

Hiện nay, có những tác giả đã có cách nhìn cực đoan về sở hữu ở các nước: họ cho rằng ở các nước phương Tây - TBCN, dựa vào sở hữu tư nhân, ở nước ta dựa vào chế độ công hữu và cho rằng nền kinh tế của nước ta không phải là nền kinh tế thị trường. ở đây, tuy không là dịp để dùng văn "bút chiến", nhưng cũng phải có đôi điều nhìn nhận xem, những quan niệm của họ có đúng đắn, phù hợp với thực tế khách quan hay không, và qua đây cũng là dịp để so sánh, kiến giải các loại hình sở hữu ở hai hình thái kinh tế xã hội khác nhau.

Phải thừa nhận rằng, sở hữu tư nhân đã có từ lâu, có trước cả pháp luật. Sở hữu tư nhân ra đời rồi mới có sự phân chia xã hội thành giai cấp, rồi thì mới có nhà nước, mới có pháp luật từ sơ khai đến hiện đại. Sở hữu tư nhân gắn với tính bản năng, vì vậy nếu biết tôn trọng và khai thác yếu tố cá nhân trong con người, sẽ tạo động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Nhà tư tưởng Aristot (300 năm trước Công nguyên) đã nhận xét rằng: con người sẽ hoà hợp với nhau hơn nếu mỗi người tự lo công việc của mình. A.Smith thì cho rằng, khi con người theo đuổi quyền lợi của bản thân mình, sẽ làm lợi cho xã hội hơn khi người đó có chủ đích làm lợi cho xã hội ngay từ đầu. Tuy nhiên, khi nghiên cứu sự phát triển của kinh tế thị trường ở các nước tư bản phát triển, người ta nhận ra rằng, ở các nước đó, kinh tế thị trường dựa vào sở hữu tư nhân, sở hữu cổ phần và sở hữu của nhà nước tư bản... Ví dụ, theo tạp chí kinh doanh FAQ, 12/2000 của S B A, các nhà kinh doanh nhỏ ở Mỹ: chiếm trên 99,7% tổng số hãng kinh doanh có thuê công nhân, sản xuất 51% tổng sản phẩm của khu vực tư nhân, cung cấp 75% số việc làm mới được tạo ra. Còn các Công ty đa quốc gia là những Công ty cổ phần, tập trung trong tay số tư bản lớn, có thể nói, số vốn này là do các nhà tài phiệt chi phối. Hiện tại, chỉ hơn 100 Công ty đa quốc gia hàng đầu đã chiếm khoảng 1/4 sản lượng toàn thế giới (8). Khi nói về sở hữu cổ phần, C.Mác đã chỉ ra rằng: sản xuất TBCN của các công ty cổ phần đã không còn là nền sản xuất tư nhân nữa, mà là nền sản xuất cho một số cổ đông. Công ty cổ phần trực tiếp mang hình thức tư bản xã hội đối lập với tư bản tư nhân, còn các xí nghiệp của nó biểu hiện ra là các xí nghiệp xã hội đối lập với các xí nghiệp tư nhân. Đó là sự thủ tiêu tư bản với tư cách là sở hữu tư nhân trong khuôn khổ của bản thân phương thức sản xuất TBCN. Như vậy, trong phương thức sản xuất TBCN, có một chủ sở hữu không phải là sở hữu tư nhân (như người ta đã nhầm tưởng, đây là sở hữu duy nhất) mà là sở hữu của các cổ đông hay dáng dấp của sở hữu tập thể, sở hữu công cộng.

Còn sở hữu nhà nước ở các nước tư bản cũng rất rõ. ở các nước tư bản, có sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế (nhất là từ khi vận dụng học thuyết kinh tế của Keynes) nhằm góp phần điều tiết chu kỳ phát triển. Chi tiêu của chính phủ (cũng có nghĩa là sở hữu của nhà nước dưới hình thức tiền tệ, vốn) nhằm xây dựng các xí nghiệp quốc doanh sản xuất hàng hoá và dịch vụ công v.v.... thường chiếm một tỷ trọng thấp trong GDP của mỗi nước. Cũng có những nhà phân tích cho rằng, sở hữu nhà nước ở các nước tư bản (gọi là sở hữu nhà nước tư bản chủ nghĩa) là sự biến tướng đặc biệt của sở hữu tư nhân TBCN về tư liệu sản xuất và cũng thể hiện quan hệ bóc lột người lao động.

Xin bàn trực tiếp các hình thức sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Trong báo cáo chính trị tại đại hội lần thứ IX, Đảng ta xác định nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, trong đó có ba hình thức sở hữu cơ bản là sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân, "chế độ sở hữu công cộng (công hữu) về tư liệu sản xuất chủ yếu từng bước được xác lập và sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối khi CNXH được xây dựng xong về cơ bản" (9). Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX cũng nhấn mạnh kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta có nhiều thức sở hữu. Vì vậy, ở nước ta có nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Những điều vừa nêu về sở hữu, cũng đã được nêu ra từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (năm 1991) và được luật hoá ở Hiến pháp năm 1992. Ngoài ba hình thức sở hữu cơ bản trên đây, Hiến pháp năm 1992 còn thừa nhận một số hình thức sở hữu hỗn hợp, đan xen, được hình thành từ mối liên hệ liên doanh liên kết giữa các thành phần kinh tế. Điều 22 Hiến pháp năm 1992 qui định: doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được liên doanh, liên kết với cá nhân, tổ chức kinh tế trong nước và ngoài nước theo qui định của pháp luật. Đây là cơ sở pháp lý để thừa nhận sự tồn tại hình thức sở hữu của các tổ chức kinh tế do các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế liên kết liên doanh như sở hữu của các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, sở hữu của xí nghiệp liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài.

Gần đây, ở nước ta, khu vực sản xuất có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được coi là một thành phần kinh tế. Khi các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài hoạt động ở nước ta cũng có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận nguồn gốc của vốn đó: có thể là vốn của một công ty cổ phần "con" của "công ty mẹ" là công ty xuyên quốc gia, có thể là vốn của một nhà tư bản nước ngoài v.v... Như vậy, về thực chất, nền kinh tế của nước ta phải chấp nhận cả sở hữu tư nhân TBCN, dù chỉ giới hạn ở công ty có 100% vốn của tư bản nước ngoài và hoạt động theo luật đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Ngoài ra, khi có một doanh nghiệp nhà nước của ta liên doanh với một hoặc vài nhà tư bản nước ngoài để sản xuất kinh doanh một mặt hàng nào đó, thì rất có thể vốn của doanh nghiệp liên doanh này mang tính chất của sở hữu tư bản nhà nước. Còn trường hợp một DNNN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức liên doanh với một công ty tư bản nước ngoài, thì sở hữu vốn của doanh nghiệp loại này cũng cần phải được xếp vào loại hình sở hữu gì đó, để làm nổi bật tính hội nhập của nền kinh tế nước ta với nền kinh tế khu vực và thế giới. Còn một hình thức sở hữu ngày càng được thể hiện rõ ở nước ta, đó là sở hữu cổ phần trong các doanh nghiệp được cổ phần hoá từ DNNN và sở hữu cổ phần của các công ty cổ phần. Nhiều DNNN được cổ phần hoá đã kinh doanh có hiệu quả hơn, chứng tỏ mặt mạnh của sở hữu cổ phần.

Về mặt lý luận thì như vậy, còn trong thực tiễn, các hình thức sở hữu đang diễn ra như thế nào? Nếu chia nền kinh tế nước ta thành 3 khu vực với 3 nhóm hình thức sở hữu khác nhau để so sánh tỷ trọng đầu tư và tỷ trọng đóng góp vào GDP của mỗi khu vực, trong một khoảng thời gian nhất định, có thể thấy được về cơ bản, hiệu quả và vai trò của các hình thức sở hữu. Bảng dưới đây nêu ra tỷ trọng đầu tư và tỷ trọng đóng góp vào GDP của 3 khu vực: nhà nước, ngoài QD, đầu tư nước ngoài (từ năm 1995 đến 2001):

Tỷ trọng đầu tư và tỷ trọng GDP của các khu vực (%)

STT vốn ĐT khu vực nn GDP khu vực nn vốn ĐT khu vực tư nhân vốn ĐT khu vực đầu tư nn GDP khu vực đầu tư nn
1995 42.0 40.18 27.6 53.52 30.4 6.30
1996 49.1 39.93 24.9 52.68 26.0 7.39
1997 49.4 40.48 22.6 50.45 28.0 9.07
1998 55.5 40.00 23.7 49.97 20.7 10.03
1999 58.7 38.74 24.0 49.02 17.3 12.24
2000 57.5 38.98 23.8 47.76 18.7 13.26
2001 58.1 39.00 23.5 48.00 18.3 13.00

Nguồn: Niên giám Thống kê 2001 (số liệu 1995 - 2001).

Bộ KH và ĐT dự kiến số liệu năm 2001

Nhìn vào bảng trên, chúng ta thấy rằng: Hiệu quả đầu tư và sử dụng vốn của khu vực nhà nước giảm sút. Vốn đầu tư của khu vực nhà nước tăng từ 42% năm 1995 lên 58,1% năm 2001, nhưng tỷ lệ % đóng góp cho GDP giảm từ 40,18% năm 1995 xuống 39% năm 2001. Như vậy, phải chăng để duy trì vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, dường như Nhà nước vẫn chọn phương cách dễ dàng nhưng kém hiệu quả là "lấy lượng bù chất". Tuy vậy, cũng phải nói thêm một nguyên nhân quan trọng rằng, Nhà nước phải đầu tư vào nhiều công trình công cộng phục vụ cả nền kinh tế và vào các chương trình xã hội (thường đi đôi với thời gian hoàn vốn chậm và hiệu quả đầu tư trước mắt thấp). ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, tuy tỷ trọng vốn đầu tư có xu hướng giảm, nhưng tỷ trọng GDP lại có xu hướng tăng lên, có lẽ khu vực này đã phát huy tác dụng của vốn đầu tư từ những năm trước và năng lực xuất khẩu của họ đã tăng lên. Khu vực ngoài quốc doanh (khu vực tư nhân trong nước) tỏ ra là khu vực có năng lực sử dụng vốn để tạo ra GDP cao hơn cả: chênh lệch tỷ trọng GDP và tỷ trọng vốn đầu tư luôn luôn "dương" (20% - 25%) trong khi chỉ số này luôn luôn "âm" ở cả 2 khu vực còn lại (kinh tế nhà nước và khu vực đầu tư nước ngoài)

Qua phân tích trên có thể rút ra một đôi điều rằng:

Không phải cứ nhân danh sở hữu này hay sở hữu khác là đã có thể phát huy tác dụng như cái danh trao cho nó. Sở hữu nhà nước, gắn với nó là kinh tế nhà nước có trở thành vai trò chủ đạo hay không, còn tuỳ thuộc vào sự vận động của nền kinh tế với những chính sách vĩ mô đúng đắn và tuỳ thuộc vào tính minh bạch và tận tâm của những con người hoạt động trong khu vực kinh tế nhà nước. Trên bình diện khái quát các nguồn thông tin, cho thấy mức tổn thất trong đầu tư xây dựng cơ bản của nhà nước lên tới 25 - 35% tổng số vốn đầu tư (bằng khoảng 7% GDP !!!). Với tình hình thất thoát vốn như hiện nay, thì vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước cũng bị ảnh hưởng xấu rất nhiều.

Còn "sành sỏi" về mọi phương diện như khu vực đầu tư nước ngoài (với hình thức sở hữu tư nhân TBCN như người ta vẫn thường nói) cũng chưa đạt kết quả ngoạn mục như các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn./.

TS. Công Văn Di

TẠP CHÍ CÔNG NGHIỆP SỐ 12/2003

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến